Tiền cho chuyển thể Sơn Tinh - Thủy Tinh
Năm 2017,àmphimSơmethanol đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh công bố cùng nhau thực hiện bộ phim Sơn Tinh - Thủy Tinh.
Nêu ý kiến tại Hội thảo góp ý luật Di sản văn hóa sửa đổi ngày 13.11 tại Hà Nội, PGS-TS Trần Văn Hải, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng Sơn Tinh - Thủy Tinh là truyền thuyết thuộc di sản văn hóa do nhà nước là chủ sở hữu. Nếu đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh tiến hành chuyển thể truyền thuyết này thành tác phẩm điện ảnh thì nhà sản xuất có nghĩa vụ trả phí khai thác/sử dụng di sản văn hóa.
PGS-TS Trần Văn Hải đề xuất Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu đối với di sản văn hóa do nhà nước là chủ sở hữu. Trường hợp chuyển thể truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh được ông Hải cho là ví dụ về thực thi quyền hưởng lợi nhuận từ việc cho phép người khác làm tác phẩm phái sinh từ di sản văn hóa.
Đó là đề xuất của PGS-TS Trần Văn Hải, còn trong luật của VN chưa có quy định như vậy. Nó khiến chủ sở hữu tác phẩm phái sinh có quyền hưởng lợi nhuận khi tác phẩm phái sinh được sử dụng với mục đích thương mại; tuy nhiên, cộng đồng nơi di sản văn hóa phi vật thể được sáng tạo, thực hành và lưu truyền lại không.
PGS-TS Hải cho rằng bất cập này không chỉ diễn ra ở VN, trên thế giới cũng gặp trường hợp tương tự. Aladdin và cây đèn thần là một trong những truyện đặc sắc nhất trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm của vùng Trung Đông. Nói cách khác, cộng đồng cư dân vùng này đã sáng tạo, thực hành và lưu truyền Aladdin và cây đèn thần.
Năm 2019, tại Mỹ, đạo diễn Guy Ritchie công bố bộ phim Aladdin và cây đèn thần là tác phẩm phái sinh từ truyện cùng tên, với các diễn viên chính: Will Smith, Mena Massoud, Naomi Scott, Marwan Kenzari. Bên cạnh nhiều giải thưởng, phim thu lợi nhuận tính đến tháng 9 vừa qua là 322,6 triệu USD. Trong thực tế, cộng đồng Trung Đông đã sáng tạo, thực hành và lưu truyền Aladdin và cây đèn thần không được hưởng lợi nhuận từ bộ phim trên.
Bổ sung khái niệm mới, quy định mới
Ý kiến của PGS-TS Trần Văn Hải là một trong những góp ý cho dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi. Theo đó, ông đề cập quyền sở hữu trí tuệ cho việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ông cũng đề xuất các nội dung cần làm rõ và bổ sung giữa luật Sở hữu trí tuệ và dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi thông qua việc phân tích quyền sở hữu di sản văn hóa. Điều này cũng có thể sẽ mở đường cho việc thu phí việc làm các bản sao bảo vật quốc gia…
Theo PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ là một vấn đề được thảo luận nhiều cũng như bổ sung vào nội dung dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi. Bà cho biết dự thảo đưa ra nhiều vấn đề mới. Chẳng hạn, dự thảo lần này bổ sung thêm chương V Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Đây là loại hình di sản chưa được quy định cụ thể trong luật cũ.
Ở dự thảo này, các quy định liên quan di sản tư liệu gồm 17 điều với các nội dung chủ yếu là: phân loại di sản tư liệu; kiểm kê, ghi danh di sản tư liệu vào danh mục quốc gia và UNESCO; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi danh mục quốc gia và danh mục di sản tư liệu của UNESCO…
Một số khái niệm trong luật cũng được bổ sung trong dự thảo lần này. Chẳng hạn, quy định về chế độ báo cáo kiểm kê hằng năm với di sản văn hóa phi vật thể; quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể VN sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO.